Đánh giá smartphone Huawei Honor 4X

Đánh giá smartphone Huawei Honor 4X

6 10 99
Đánh giá smartphone Huawei Honor 4X 10 6 99
Ngoại hình kém hấp dẫn, không gian lưu trữ hạn hẹp và bộ xử lý kén game là loạt điểm trừ nhiều khả năng sẽ khiến Honor 4X khó lòng cạnh tranh với những sản phẩm cùng phân khúc trên thị trường. 
Honor là thương hiệu điện thoại được Huawei (Trung Quốc) khai sinh hồi tháng 12/2014 như là “vũ khí” mới để tấn công vào thị trường châu Âu. Hiện tại, vài mẫu điện thoại thông minh thương hiệu Honor đã có mặt tại Việt Nam và 4X là một trong số này.
Honor 4X có giá bán 4,99 triệu đồng.
Mặc dù bề ngoài trên chiếc Honor 4X này không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sản phẩm là của nhà sản xuất điện thoại Huawei, nhưng mục "Thông tin pháp lý" trong giao diện cấu hình và xem thông tin về sản phẩm vẫn cho thấy đây là mẫu smartphone của nhà sản xuất Trung Quốc.
Thêm vào đó, pin không thể tháo rời trên Honor 4X cũng được đóng dấu "Huawei Technologies".
Những thông tin thu thập nhằm cải thiện chất lượng phục vụ khách hàng dùng mẫu smartphone Honor 4X đều phải thông qua Huawei.
Như vậy có thể nói Honor 4X thực chất cũng chỉ là một dòng sản phẩm smartphone tựa như những dòng điện thoại khác do Huawei phát triển.
Tuy mới về Việt Nam, nhưng thực tế là Honor 4X từng được giới thiệu lần đầu tiên hồi tháng 10/2014.
Về ngoại hình, Honor 4X nhìn chung không có nhiều cải tiến so với những mẫu smartphone Honor 4x series từng giới thiệu. Cụ thể, máy vẫn có thiết kế sử dụng phần lớn vật liệu nhựa, nắp lưng có thể tháo rời, màn hình lớn, pin dung lượng cao và cũng hỗ trợ 2 khay SIM cùng khe cắm thẻ microSD. Tuy nhiên, vì là một sản phẩm được xếp vào phân khúc tầm trung, nên Honor 4X cũng trang bị phần cứng thuộc loại khá và cũng hỗ trợ 4G trên cả 2 khay micro-SIM.
Thiết kế
Nếu 10 là điểm số đại diện cho vẻ đẹp tuyệt đối của một chiếc điện thoại thì Honor 4X thực sự chỉ có thể xếp vào mức 4 điểm. Thực tế thì điểm số này đã được tính thêm một số chi tiết giúp bù lại khuyết điểm trong thiết kế ngoại hình của Honor 4X - vì sản phẩm trông chẳng mấy khác biệt một chiếc smartphone phổ thông từ những hãng smartphone ít người biết đến hơn. 
Nắp lưng của Honor 4X thiết kế với vô số những đường chạm khắc song chưa thật hiệu quả trong việc tăng độ bám cho sản phẩm.
Thiết nghĩ, có lẽ vì muốn tập trung vào phát triển cấu hình nhằm chạy đua với những sản phẩm đối thủ cùng phân khúc, nên Honor 4X đã phải hy sinh nhiều trong khâu thiết kế. Tuy vậy, công bằng mà nói thì Honor 4X cơ bản cũng có ít nhiều cải tiến so với mẫu Honor 4A từng ra mắt trước đây.
Màn hình
Về độ sắc nét, màn hình 5,5 inch (độ phân giải HD) trên Honor 4X thừa sức vượt qua các phép thử tại Test Lab. Tuy nhiên, chất lượng màu sắc nhìn chung chỉ ở mức trung bình khá vì LCD 5,5 inch này cho màu sắc hơi thiên lạnh với thiết lập nhiệt độ màu mặc định.
LCD 5,5 inch trên Honor 4X hỗ trợ điều khiển đồng thời 10 điểm cảm ứng.
Riêng về góc quan sát, nhờ thiết kế thu hẹp khoảng trống giữa bề mặt màn hình và mặt kính bảo vệ nên Honor 4X cũng cho góc nhìn khá rộng. Độ sáng tối đa cũng có thể giúp cải thiện tình trạng phản chiếu khi sử dụng máy ngoài trời. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng màn hình của Honor 4X chỉ thực sự sáng tốt và hiệu quả chống chói cao nhất khi đặt thanh trượt tùy chỉnh độ sáng ở mức tối đa và tắt tính năng tùy chỉnh độ sáng tự động.
Loa ngoài
So với mẫu 4A, thiết kế loa ngoài trên Honor 4X đã được dời xuống cạnh đáy của thiết bị, hứa hẹn giải quyết tốt tình trạng “khó nghe” khi đặt trực tiếp lưng máy xuống các loại mặt phẳng.
Tuy vậy, bố trí loa ngoài của Honor 4X vẫn chưa thật tối ưu cho việc sử dụng máy cho nhu cầu giải trí theo chiều ngang. Thiết nghĩ, nếu nhà sản xuất bố trí loa ngoài cùng một bên với dãy phím nguồn/khóa màn hình và phím điều tiết âm lượng, nhược điểm này sẽ được giải quyết triệt để.
Loa ngoài của Honor 4X bố trí khá bất tiện cho việc thao tác với máy ở phương ngang.
Hiệu năng
Từ những kết quả đo hiệu năng sử dụng các công cụ benchmark chuyên dùng, Test Lab nhận thấy sức mạnh của bộ xử lý Kirin 620 trang bị cho mẫu Honor 4X không hề kém cạnh mẫu SoC tầm trung Snapdragon 410 của Qualcomm.
Thực tế sử dụng cho thấy Honor 4X có thể đáp ứng tốt hầu hết nhu cầu sử dụng thường ngày từ duyệt web nhiều tab, cập nhật thông tin mạng xã hội, kết nối liên lạc với bạn bè, giải trí với các kênh video trực tuyến cho đến cho đến cày một số game đồ họa tên tuổi như N.O.V.A 3, Real Racing 3.
Honor 4X có thể chơi một số game đồ họa mạnh như N.O.V.A 3. Tuy nhiên, không phải mọi nhà sản xuất game đều "bắt tay" với nhà sản xuất bộ xử lý Kirin 620. Trải nghiệm thực tế với game Modern Combat 5: Blackout cho thấy nhiều hiệu ứng đồ họa không thể hiện đúng như mong đợi.
Test Lab không thể cài đặt tựa game BIA vốn có thể chơi tốt trên các mẫu smartphone dùng bộ xử lý MediaTek cùng phân khúc từng được thử nghiệm lên Honor 4X.
Kết quả thử nghiệm hiệu năng của mẫu smartphone Honor 4X: 
Tuy nhiên, khác biệt đáng kể nhất giữa 2 bộ xử lý này chính là độ phủ của Kirin 620 trong làng game di động vì một số tựa game di động trên Play Store vẫn chưa “chơi” với bộ xử lý này dẫu rằng cấu hình phần cứng tối thiểu mà nhà phát triển game đòi hỏi Honor 4X đều đáp ứng được.
Camera
Test Lab đánh giá cao thiết kế cho phép người dùng tùy chỉnh các mức độ làm đẹp khuôn mặt trên cả camera trước và sau của Honor 4X. Chất lượng ảnh chụp trong môi trường ánh sáng thuận lợi cho màu sắc hình ảnh khá, độ chi tiết và độ tương phản tốt. Camera chính 13MP trên Honor 4X cũng có tốc độ lấy nét khá nhanh và hỗ trợ khóa sán tựa như mẫu Huawei Mate 7 từng thử nghiệm. Tuy nhiên, xuyên suốt quá trình thử nghiệm, Test Lab nhận thấy khả năng đo sáng của Honor 4X nhìn chung vẫn còn ít nhiều hạn chế nhất là khi môi trường quá sáng, hoặc độ tương phản màu sắc trong khung hình quá cao.
Riêng với camera selfie 5MP, chất lượng ảnh chụp nhìn chung khá ổn và người dùng nữ hẳn sẽ thích thú vì nước da của Honor 4X khi chụp bằng camera trước trông rất hồng hào và không bị cháy sáng như mẫu Oppo R7 Plus.
Chỉ tiếc là camera 5MP trên Honor 4X có góc nhìn chưa thật rộng như những mẫu smartphone selfie mà Test Lab từng thử nghiệm.
Giao diện người dùng
Điểm trừ lớn nhất trong giao diện người dùng của Honor 4X chính là thiết kế hạn chế đáng kể sự sáng tạo của người dùng. Với Honor 4X, người dùng sẽ chỉ có thể quanh quẩn với vài bộ theme mà hãng cung cấp kèm vốn có thiết kế biểu tượng ứng dụng chẳng mấy hấp dẫn. Việc cài đặt thêm những bộ theme mới nhìn chung không quá phức tạp để thực hiện nhưng lại là một hạn chế đáng kể vì dung lượng bộ nhớ trong của Honor 4X chỉ dừng lại ở mức 8GB. 
Từ những trải nghiệm thực tế, Test Lab nhận thấy cách mà Honor 4X sắp xếp ứng dụng tự động khá kém thông minh, nhất là khi người dùng xóa một ứng dụng trên giao diện màn hình Home.
May mắn là Honor 4X đã được tích hợp sẵn những tính năng hữu ích cho một chiếc smartphone màn hình lớn như bật sáng màn hình không cần đến nút nguồn, khởi động nhanh ứng dụng (camera, trình duyệt, mở trình chơi nhạc hay cập nhật thời tiết) bằng cách vẽ một ký tự đại diện trên màn hình tắt.
Thời lượng pin
Với pin dung lượng 3.000mAh, Honor 4X trong phép thử PCMark 8 cho thời lượng dùng pin chỉ đạt mốc 7 giờ 19 phút và thấp hơn mong đợi của Test Lab. May mắn là nếu không dùng 3G mà chủ yếu cập nhật thông tin trực tuyến, nghe, gọi nhắn tin với tần suất vừa phải và ít ứng dụng chạy nền, pin không thể tháo rời trên Honor 4X cũng cho thời lượng sử dụng được hơn 21 giờ mới “rớt” về mức báo động đỏ.
Thời lượng dùng pin của Honor 4X chưa thật tốt như mong đợi.
Tạm kết
Với mức giá khoảng 5 triệu đồng, Honor 4X thực sự vẫn chưa phải là một lựa chọn hấp dẫn dù sản phẩm cũng trang bị bộ xử lý 8 nhân, camera 13MP tựa như những đối thủ cùng phân khúc đến từ Lenovo, Asus, Oppo, HTC hay Samsung.
Dù cơ bản chỉ cần một chiếc smartphone màn hình lớn để đọc báo, giải trí với phim ảnh và nhạc trực tuyến, hoặc "lướt" Facebook thay vì đặt nặng về giải trí với game, người dùng rõ ràng vẫn có khá nhiều lựa chọn trong tầm giá 5 triệu hoặc thấp hơn cùng bộ nhớ trong cao gấp đôi và cũng ít kén game hơn sản phẩm thương hiệu Honor này.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top